Sẽ có nghiên cứu riêng cho giải pháp phục hồi kinh tế vùng phía Nam
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, các vùng kinh tế trọng điểm cần có chương trình phục hồi riêng, bởi các vùng này có vai trò hết sức quan trọng khi đóng góp lượng lớn về thu ngân sách, GDP cho cả nước.
Trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 11/11, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, vấn đề liên kết vùng là vấn đề lớn, chúng ta đặt ra nhưng thực hiện chưa được bao nhiêu. Chúng ta đang thiếu một quy hoạch vùng, thiếu nguồn lực đầu tư cho hạ tầng liên kết vùng, thiếu một cơ chế, điều phối, hợp tác, liên kết phát triển vùng.
Hiện tại, Bộ KHĐT cũng đang lập quy hoạch vùng, tìm cơ chế, thể chế cho các vùng. “Vì chúng ta không có chính quyền vùng, chúng ta không cấp ngân sách vùng. Trong vùng, tỉnh nào dùng ngân sách tỉnh đó, không dùng chung được nên rất khó thống nhất góp gạo thổi cơm chung”.
Bộ trưởng lấy ví dụ, nếu là công trình trường học, bệnh viện tỉnh nào cũng sẵn sàng nhận nhưng nghĩa trang, bãi rác thì các tỉnh không nhận. Bộ thì đứng ở giữa, khi lập quy hoạch với các tỉnh rất khó xử, để làm sao hài hòa, thống nhất và thuyết phục các địa phương.
Bộ sẽ có nghiên cứu riêng về giải pháp phục hồi kinh tế vùng phía Nam
Về giải pháp phục hồi kinh tế vùng phía Nam, Bộ chưa có nghiên cứu cụ thể về vấn đề này nhưng Bộ chắc chắn có nghiên cứu riêng. “Bởi hiện nay, chúng ta mới có chương trình nghiên chung cho nền kinh tế, chưa đặt vấn đề nghiên cứu riêng cho các tỉnh này. Các tỉnh này hết sức quan trọng, đóng góp cho đất nước rất lớn về thu ngân sách, giải quyết việc làm, GDP”.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, chúng ta cần có sự phát triển hạ tầng, đào tạo lại nguồn lao động, thu hút đầu tư, cũng như hỗ trợ từ trung ương trong chương trình phục hồi riêng cho các vùng kinh tế trọng điểm.
Theo Bộ trưởng, quá trình phục hồi kinh tế sẽ diễn ra cuối năm 2022 và tăng dần cuối năm 2023. Cuối năm 2023, thực hiện kiểm soát tốt, thì trở lại trạng thái bình thường như mong muốn, kỳ vọng.
Gói kích thích kinh tế hiện nay khác gì so với trước đây?
Trả lời về gói kích thích kinh tế hiện nay có khác gì so với trước đây, Bộ trưởng cho rằng, giai đoạn năm 2008 – 2009, chúng ta tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, kích cầu đầu tư, tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội. Chúng ta dành 122.000 tỷ đồng, tương đương 6,9 tỷ USD, riêng năm 2009 dành 100.600 tỷ đồng, tương ứng 5,7 tỷ USD, tương ứng 5,6% GDP khoảng 100 tỷ USD.
Các kết quả tích cực khi tung gói ra là giúp đất nước vượt qua khủng hoảng, giúp Việt Nam là một trong ít nước tăng trưởng dương, năm 2008 là 5,7 %, năm 2009 là 5,4%.
Còn hạn chế, bất cập cần phải rút kinh nghiệm là chính sách mới chủ yếu ở phía cung. Doanh nghiệp khó khăn đầu ra, sản xuất không biết bán đi đâu; lãi suất lớn nhưng thiếu đồng bộ chính sách tiền tệ, tài khóa khác làm giảm hiệu quả, dẫn đến trục lợi chính sách; vay vốn rẻ này gửi ngân hàng khác, tiền không chảy vào sản xuất mà chảy vào chứng khoán bất động sản.
Ảnh hưởng kinh tế vĩ mô là lạm phát tăng cao, lạm phát 2010 là 9,2%, 2011 lạm phát 18,6 %, đầu tư dàn trải, nợ đọng. Nhiều dự án từ năm 2011 dừng lại, không giải quyết hậu quả, nhiều gói hỗ trợ lãi suất chưa quyết toán. Công tác kiểm tra giám sát thiếu chặt chẽ, thiếu chính sách đồng bộ tài khóa, tiền tệ.
Chính sách được thực hiện trên nền kinh tế vĩ mô thiếu ổn định của giai đoạn trước, tăng trưởng tín dụng và cung tiền ở mức cao. Chính sách hỗ trợ chưa sát thực tiễn, vay vốn doanh nghiệp chưa công khai, minh bạch.
Qua đó, chúng ta rút ra những bài học kinh nghiệm là cần chương trình tổng thể, quy mô đủ lớn, đủ khả năng vay trả, khả năng hấp thụ của nền kinh tế; Thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kịp thời, hỗ trợ trọng tâm trọng điểm, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực; Hỗ trợ dòng tiền, ổn định tài chính, huy động nguồn lực quốc tế khác; đặc biệt kiểm soát rủi ro, giám sát chặt chẽ trong thực hiện.