Kết quả nghiên cứu của YouGov Việt Nam cho thấy có đến 48% người tiêu dùng bị giảm thu nhập vì dịch bệnh và có đến 80% người được hỏi dự định tiếp tục cắt giảm các khoản chi không thiết yếu.
Dữ liệu cập nhật mới nhất công bố ngày 12/11 của đơn vị nghiên cứu thị trường YouGov cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang dần lấy lại sự lạc quan khi nhiều quy định giãn cách xã hội dần được nới lỏng tại nhiều địa phương. Chỉ số thể hiện sự lạc quan của người tiêu dùng Việt đã tăng hơn gấp đôi trong tháng 10, gần như quay lại mức trước khi đại dịch xảy ra.
Tuy nhiên, bất chấp triển vọng tích cực đối với “bình thường mới”, các hộ gia đình đang phải xoay xở với tác động của Covid-19 lên hoạt động tài chính cá nhân. Cụ thể, 48% người tiêu dùng tham gia khảo sát đã bị giảm thu nhập trong năm nay. Trong đó, 28% người được hỏi nói rằng thu nhập của họ giảm khoảng 10-20% và có đến 20% người tiêu dùng cho biết họ bị giảm lương lên tới hơn 20% so với mức trước đây.
Song song với những con số trên, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy điểm tích cực khi 28% người tiêu dùng trả lời đã tăng mức tiết kiệm của họ trong thời gian xảy ra đại dịch. Với việc phải “làm việc tại nhà”, nhiều người cắt giảm các khoản chi không thiết yếu như du lịch, giải trí, ăn uống. Xu hướng tiết kiệm của người tiêu dùng Việt theo YouGov đi đầu trong khu vực.
Tuy nhiên, một nhóm không nhỏ, khoảng 34% người tham gia nghiên cứu đã phải sử dụng đến khoản tiết kiệm của họ trong thời gian khó khăn vừa qua. Đồng thời, 21% người chia sẻ phải vay mượn để vượt qua giai đoạn dịch bệnh khó lường. Tỷ lệ người phải mượn tiền để chi tiêu trong dịch bệnh tại Việt Nam cao nhất trong nhóm các quốc gia châu Á thuộc phạm vi nghiên cứu.
YouGov đánh giá những thay đổi do đại dịch Covid-19 đã khiến người tiêu dùng phải đánh giá lại thói quen tiêu dùng hiện tại và kế hoạch tài chính dài hạn của mình. Hơn 50% người tiêu dùng đã cắt giảm các khoản chi tiêu không thiết yếu trong sáu tháng qua. Trong khi đó, 80% số người được hỏi dự định sẽ tiếp tục cắt giảm trong tương lai.
Khoảng 2/3 (67%) người tiêu dùng cho biết sẽ cẩn thận hơn với tài chính cá nhân của họ so với trước đại dịch. Người Việt cũng quan tâm hơn đến đầu tư và giảm nợ so với người dân ở các quốc gia khác trên thế giới.
“Dữ liệu của chúng tôi cho thấy sự tự tin đang trở lại. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy người tiêu dùng Việt đã trở nên thận trọng hơn trong cách tiếp cận tài chính cá nhân. Cuộc khủng hoảng gần đây làm nổi bật nhu cầu lập kế hoạch tài chính thận trọng và dài hạn. Người tiêu dùng Việt Nam muốn tiết kiệm, đầu tư và bảo vệ gia đình khỏi những khó khăn về tài chính”, ông Thue Quist Thomasen, CEO YouGov Việt Nam nhận định.