Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn đang tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid 19, đẩy các doanh nghiệp vào rủi ro, thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để họ thay đổi và phát triển mạnh mẽ hơn. Các doanh nghiệp đang từng bước tìm cách thích nghi và có những bước điều chỉnh chính sách, chiến lược kinh doanh để có thể tồn tại và phát triển trong giai đoạn này.
Tiềm năng tăng trưởng cao
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions, thị trường dược phẩm Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 11% trong giai đoạn 2021-2026, độ lớn thị trường tăng lên 16,1 tỷ USD vào năm 2026 so với mức 7,7 tỷ USD năm 2021. Động lực tăng trưởng bền vững đến từ yếu tố chính là chi tiêu bình quân trên đầu người dành cho thuốc gia tăng, nhờ thu nhập của người dân cải thiện và sự quan tâm đến sức khỏe ngày càng cao. Là một trong những nước có mức tăng trưởng GDP cao nhất toàn cầu năm 2020, Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, giúp gia tăng thu nhập của người dân, cùng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao sẽ thúc đẩy chi tiêu cho y tế. Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, tốc độ già hóa sẽ diễn ra nhanh làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế, từ đó mở ra triển vọng tăng trưởng cho ngành dược. Tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân ngày càng cao, giúp đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ thuốc qua kênh bệnh viện (ETC).