Hệ thống quản trị hiệu suất giúp tạo ra quá trình trao đổi hai chiều giữa nhân viên và quản lý, thay đổi tính một chiều của hệ thống cũ, từ đó tạo ra sự thấu hiểu và gắn kết trong tổ chức doanh nghiệp.
Ngày 26/10/2021, hội thảo trực tuyến “Quản trị hiệu suất – Bài toán khó của các doanh nghiệp dịp cuối năm” do CMC Ciber phối hợp cùng EOD, SAP Việt Nam tổ chức đã thu hút gần 200 đại diện bộ phận quản trị nhân sự từ các doanh nghiệp tham gia thảo luận.
Các diễn giả, khách mời trong buổi hội thảo |
Quản trị hiệu suất nhân sự là quá trình liên tục
Hệ thống quản trị hiệu suất là quy trình doanh nghiệp xác định, khuyến khích, đo lường, đánh giá, cải thiện và khen thưởng hiệu suất của nhân viên; bao gồm quy trình liên tục, đáp ứng gắn kết với mục tiêu.
Tính liên tục xuyên suốt quá trình quản trị hiệu suất (continuous performance management) đã được bà Phạm Thu Hiền – Giám đốc Nhân sự tại TH Food Chain nhấn mạnh tại buổi hội thảo. Bà cho rằng, quy trình quản trị hiệu suất giúp doanh nghiệp quản trị thường xuyên, nhận thông tin phản hồi hai chiều, huấn luyện và cải thiện hiệu suất. Ngoài ra, việc quản trị hiệu suất gắn kết mục tiêu của nhân viên với mục tiêu của tổ chức, giúp ban lãnh đạo. Nhờ đó, cơ quan, doanh nghiệp có thể quan sát các đóng góp của nhân viên một cách rõ ràng.
Đánh giá hiệu suất đóng vai trò quan trọng trong hoạt động nhân sự và sự phát triển của doanh nghiệp. Điều này cần sự tham gia đánh giá của các bộ phận như: nhân viên, bộ phận nhân sự, quản lý và các cấp lãnh đạo.
Bà Hiền khẳng định: “Quan điểm cho rằng, bộ phận nhân sự chịu trách nhiệm đánh giá hiệu suất là chưa đúng. Bộ phận nhân sự sẽ điều phối hoạt động đánh giá hiệu suất, bao gồm: hệ thống đánh giá; kiểm soát thời điểm – thời gian đánh giá và rà soát kết quả đánh giá toàn hệ thống. Cán bộ quản lý có trách nhiệm đánh giá hiệu suất của nhân viên, rà soát kết quả đánh giá trực tiếp và xác định điểm cần phát triển của nhân viên. Việc đánh giá cần diễn ra 2 chiều, phản hồi tương tác liên tục giữa nhân viên và quản lý. Sau khi nhân viên và quản lý đánh giá xong, người phê duyệt kết quả đánh giá cho nhân viên là cấp lãnh đạo trong tổ chức”.
Công nghệ số hỗ trợ quản trị hiệu suất
Quản trị hiệu suất liên tục là phương pháp đã được ứng dụng rộng rãi trên thế giới, song vẫn gặp nhiều hạn chế khi thực hiện tại Việt Nam. Ông Nguyễn Hồng Sơn – Nguyên Giám đốc Nhân sự tập đoàn CMC cho rằng, nguyên nhân là do thiếu ứng dụng công nghệ thông tin, cụ thể là công cụ để ghi nhận các dữ liệu. Về cơ hội, hệ thống quản trị hiệu suất giúp tạo ra quá trình trao đổi hai chiều giữa nhân viên và quản lý, thay đổi tính một chiều của hệ thống cũ, từ đó tạo ra sự thấu hiểu và gắn kết trong tổ chức.
Tại sự kiện, bà Tạ Bình Minh – Chuyên gia Cấp cao Tư vấn giải pháp Quản trị nhân sự tại SAP Việt Nam đã chia sẻ về phương pháp hệ thống hoá quá trình quản trị hiệu suất bằng giải pháp SAP SuccessFactors – hệ quản trị đã được áp dụng rộng rãi với hàng ngàn khách hàng trên thế giới và Việt Nam trong suốt nhiều năm qua.
Giải pháp SAP SuccessFactors với phân hệ quản trị mục tiêu, đánh giá hiệu suất bắt đầu từ thiết lập mục tiêu. Mọi hoạt động nhằm đạt KPIs của nhân viên đều sẽ được hệ thống ghi nhận bằng chức năng quản lý hiệu suất liên tục. Người quản lý có thể theo dõi, đưa ra phản hồi và huấn luyện, tạo ra sự gắn kết giữa các phòng ban. Với chức năng đánh giá, hệ thống sẽ đưa ra báo cáo kết quả, thể hiện rõ những nỗ lực và cống hiến của nhân viên, nhờ vậy giúp người quản lý có đánh giá xác thực về họ. Cuối cùng, chức năng hiệu chỉnh sẽ giúp các cấp lãnh đạo có cái nhìn tổng thể về kết quả xếp hạng của nhân viên, từ đó điều chỉnh phân bổ xếp hạng hợp lý theo chính sách cụ thể của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ: “Tập đoàn CMC lựa chọn triển khai SAP SuccessFactors vì mức độ trưởng thành trong quản trị nhân sự tại các đơn vị thành viên trong tập đoàn khác nhau, nên đội ngũ lãnh đạo ưu tiên chọn một giải pháp toàn diện, phù hợp với tính chất đa ngành của tập đoàn”.
Bà Thu Hiền – Giám đốc Nhân sự tại TH Food Chain cho biết thêm, từ khi một tập đoàn lớn ở Việt Nam áp dụng giải pháp SAP SuccessFactors từ năm 2018 đến nay, các chỉ số quan trọng như: năng suất tập đoàn, sự hài lòng của nhân viên… đều được cải thiện đáng kể.
Bà Tạ Bình Minh khẳng định, hệ thống quản trị nhân sự SAP SuccessFactors là giải pháp đã được áp dụng để phát triển nguồn nhân lực cho các tập đoàn lớn trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ này cũng được nhiều tập đoàn kinh tế áp dụng hiệu quả.
Với vai trò Đối tác Vàng (Gold Partner) của SAP Việt Nam, CMC Ciber là nhà cung cấp về các dịch vụ tư vấn, triển khai giải pháp quản trị doanh nghiệp. CMC Ciber cam kết về năng lực tư vấn, triển khai SAP SuccessFactors sẽ đáp ứng nhu cầu quản trị nhân sự của các doanh nghiệp, tổ chức. |