Gợi ý này rất đáng chú ý trong bối cảnh Bộ Kế hoạch – Đầu tư được Chính phủ giao thiết kế Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19.
Nền kinh tế bị nén chặt, đòi hỏi kích thích
Có một câu hỏi cốt tử cần được đặt ra và trả lời là liều lượng, quy mô, thời gian thực hiện của gói kích cầu này như thế nào là vừa đủ để kích thích nền kinh tế không rơi vào trì trệ, để doanh nghiệp và người dân được tiếp sức trở lại nhưng vẫn phải giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Chắc chắn sẽ cần thêm thời gian để các bộ, ngành, nhất là cơ quan tham mưu là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trả lời câu hỏi này một cách thực chất hòng cân đối nhu cầu kích thích kinh tế và giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong bài này chỉ đặt ra vấn đề: Vì sao lại cần thiết một gói kích thích kinh tế?
Có thể thấy, làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 khởi phát từ cuối tháng 4 đã để lại những hậu quả cực kỳ nặng nề cho nền kinh tế, cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sinh kế của người dân.
|
GDP suy giảm ở mức kỷ lục, sức mua cũng suy giảm kỷ lục chỉ là hai trong rất nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang bị nén chặt lại |
Trong báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế vĩ mô tháng 10, Ngân hàng Thế giới tính toán, GDP quý 3 đã giảm 6,2% so cùng kỳ năm 2020, mức giảm mạnh nhất kể từ khi Việt Nam công bố GDP theo quý. Với mức suy giảm sâu này và phụ thuộc vào mức độ mạnh mẽ của quá trình phục hồi kinh tế trong quý 4, GDP năm nay hiện được ước tính tăng trưởng với tốc độ từ 2-2,5%.
Như vậy, con số này thấp hơn đáng kể so với mức 4,8% trong báo cáo hồi tháng 8 của định chế này.
Trước đó, Ngân hàng Phát triển châu Á tính toán, GDP của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 3,8% trong năm nay, giảm so với dự báo ở mức 6,7% hồi tháng 4 và 5,8% hồi tháng 7.
Như vậy, dưới con mắt của các nhà tài trợ, triển vọng tăng trưởng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng so với các kỳ đánh giá trước đây. Những đánh giá này là chưa có tiền lệ kể từ khi các tổ chức này nối lại viện trợ cho Việt Nam đầu những năm 1990.
Ở góc độ tiêu dùng trong nước, sức mua của người dân và doanh nghiệp thể hiện sự kiệt quệ.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng – 19,8%, – 33,7%, – 28,4% và – 19,5% trong các tháng 7, 8, 9, 10 vừa qua so các tháng tương ứng năm ngoái. Đây là mức giảm rất lớn ở nước ta, nơi 75% dân số dưới 35 tuổi và sức mua luôn tăng 10% trong các năm bình thường.
Cầu yếu làm cho CPI chỉ tăng có 1,81% trong 10 tháng đầu năm nay, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
GDP suy giảm ở mức kỷ lục, sức mua cũng suy giảm kỷ lục chỉ là hai trong rất nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang bị nén chặt lại, đòi hỏi kích thích kinh tế.
Điểm nghẽn này cần được gỡ bỏ kịp thời nếu không muốn nền kinh tế tăng trưởng âm năm nay và nguy hiểm hơn, rơi vào trì trệ trong trung hạn.
Nhiều tổ chức đã ước tính, tăng trưởng năm nay cao nhất chỉ là 3%, sau khi đã rơi về mức 2,9% vào năm ngoái.
Với kịch bản dự báo khả quan nhất, nếu không có các chính sách, giải pháp quyết liệt, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2021-2025 chỉ khoảng trên 5%/năm, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.
Thực tế này thách thức hàng loạt mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong giai đoạn 5 năm tới, 10 năm tới mà Đại hội 13 đã đặt ra.
Mặc dù Chính phủ đã rất cố gắng, nỗ lực huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh nhưng quy mô các chính sách hỗ trợ còn tương đối thấp.
Năm nay, gói hỗ trợ ước khoảng 10,5 tỷ USD, tương đương 2,85% GDP. Tỷ lệ này thua xa các quốc gia khác như Mỹ 27,9% GDP, Nhật Bản 44,8% GDP, Thái Lan 15,6% GDP, Malaysia 8,8% GDP, Trung Quốc 6,1% GDP.
|
Gói kích thích kinh tế là cần thiết lúc này |