Thị trường chứng khoán, ai là người cầm “hòn than nóng”?
“Anh/chị ơi, hôm nay mua mã nào?” – đây là câu hỏi mà mỗi môi giới chứng khoán thường xuyên nhận được hàng trăm lần trong mỗi ngày giao dịch…
Một số nhà đầu tư còn không bận tâm đến việc họ đang bỏ hàng trăm triệu đồng ra để mua vào cổ phiếu của công ty nào mà chỉ cần biết “tên ba chữ cái” (tức mã chứng khoán của công ty).
Đầu tư chứng khoán hiện đã trở thành một trào lưu, đưa thị trường phát triển nhanh đến mức mà những người “sống” lâu năm trên thị trường cũng phải choáng ngợp. Trong khoảng 8 tháng trở lại đây, cứ mỗi một tháng lại có thêm hơn 100.000 tài khoản mới được lập. Nguồn tiền mới không ngừng chảy vào thị trường.
Phiên giao dịch ngày 19/11, bất chấp chỉ số chính VN-Index có lúc giảm hơn 30 điểm nhưng dòng tiền bắt đáy vẫn đổ vào cực mạnh. Thanh khoản toàn thị trường ở phiên này được đẩy lên xấp xỉ 56.000 tỷ đồng (khoảng 2,46 tỷ USD) – con số chưa từng có trong lịch sử giao dịch 25 năm qua của chứng khoán Việt Nam.
Một số chuyên gia cho rằng, với tốc độ này, rất khó để đoán đỉnh của VN-Index. Các kỷ lục liên tục bị xô đổ cả về điểm số lẫn quy mô giao dịch.
Thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, tính đến 30/9, tổng quy mô thị trường đạt trên 8,3 triệu tỷ đồng, tương đương 133,83% GDP với 2.133 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch. Con số này ấn tượng so với con số vỏn vẹn 2 mã chứng khoán đăng ký giao dịch những ngày đầu thị trường chứng khoán ra đời.
Số tài khoản nhà đầu tư đăng ký lên tới gần 4 triệu tài khoản. Trong đó, tài khoản nhà đầu tư mở mới trong 9 tháng đầu năm 2021 đã tăng 70% so với cả năm 2020.
Nhìn ở góc độ tích cực, thị trường chứng khoán đã khẳng định vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, đóng góp ngày càng lớn vào tổng đầu tư xã hội. Tuy nhiên, việc đầu tư tràn lan, mà đúng hơn là đầu cơ, cũng tiềm ẩn những rủi ro lớn.
Vì sao lại nói là “đầu cơ” mà không phải “đầu tư”? Nôm na, đầu cơ thường mang tính “lướt sóng” ngắn hạn và “đánh quả” nhiều hơn, còn đầu tư yêu cầu có sự phân tích, tìm hiểu và mất nhiều thời gian chờ đợi cho đến khi tài sản đạt được mức định giá nào đó mới bán ra.
Quanh hai khái niệm này thường nổ ra nhiều tranh cãi, người viết không nhằm đánh giá giữa đầu cơ và đầu tư thì phương thức nào tốt hơn. Nói cho cùng, với mỗi cá nhân, cách thức nào mang lại lợi nhuận chính đáng thì đều đúng, còn thua lỗ mới có nghĩa là… sai.
Song có một nghịch lý đang diễn ra rất phổ biến hiện nay, đó là trong khi có những doanh nghiệp kinh doanh tốt thì giá cổ phiếu tăng trưởng rất khiêm tốn so với VN-Index, còn doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ thì cổ phiếu lại tăng tính bằng số lần.
Nhìn trên bức tranh tổng quan của thị trường, nếu thanh khoản vẫn dựa vào sức mạnh của dòng tiền đầu cơ thì sự đi lên không bền vững, do tính chất của đầu cơ thường là “đánh nhanh, rút nhanh”. Một khi dòng tiền rút đi đột ngột thì lúc đó “bong bóng vỡ”, giá tài sản lao dốc chóng vánh, sẽ rất nhiều người mất tiền và thua lỗ.
Nhà đầu cơ không phải không biết điều đó, nhưng trong giai đoạn “sốt giá”, ai cũng đều cho rằng, kể cả khi họ mua giá cao thì ngay sau đó sẽ có người khác trả giá cao hơn cho cổ phiếu đó. Vậy ai sẽ là người mua cuối cùng, ai là người cầm “hòn than nóng”? Tình huống đó không ai muốn rơi vào mình, nhưng cuộc chơi luôn có người thắng kẻ thua, có người lãi lớn và giàu lên thì cũng có người thua lỗ và nghèo đi. Nhà đầu tư buộc phải chịu trách nhiệm duy nhất với túi tiền của bản thân.
Chứng khoán vận động theo kỳ vọng, việc dự đoán thị trường sẽ ra sao vào ngày mai cũng chỉ là dự đoán mà thôi. Điều mà chúng ta đặt ra với cơ quan quản lý là làm sao đảm bảo được sự minh bạch, dẹp bỏ dần những chiêu trò làm giá, thổi giá, bơm tin thất thiệt nhằm mục đích “lùa gà”, lôi kéo nhà đầu tư vào một cuộc chơi may rủi. Các hành vi nhằm “thao túng” thị trường cần phải bị xử phạt nặng.
Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán mới đây khẳng định rằng, cơ quan này đang tiếp tục xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành trong kiểm tra, xử lý vi phạm, đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi chính đáng của tất cả các bên tham gia thị trường chứng khoán; tiếp tục xây dựng các tiêu chí giám sát phù hợp hơn nhằm tăng cường giám sát.
Xin được mượn lời chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp, một nhà đầu tư gắn bó với chứng khoán Việt Nam để khép lại bài viết này: “Phải khẳng định một điều thị trường chứng khoán không phải là sòng cờ bạc, nơi mà tiền nhiều át trí tuệ, liều lĩnh lấn kiến thức. Dù đôi khi điều này được xảy ra nhưng không thể kéo dài mãi”.